Hotline

0914 914 400

Email

booking@newlifetravel.vn

Hotline

02586 517 889

Tháp Bà Ponagar – Di tích nổi tiếng bạn nên ghé thăm khi đến Nha Trang!

Tháp Bà Ponagar Nha Trang  là một trong những công trình di tích lịch sử nổi tiếng  và nguyên vẹn nhất còn tồn tại đến ngày nay của người Chăm. Nếu một lần đặt chân đến nơi này, bạn nên một lần ghé thăm Quần thể di tích Tháp Bà Nha Trang, để tìm hiểm những giá trị về tâm linh, cũng như những kiến trúc độc đáo nhất nơi đây!

Tháp Bà Ponagar nằm ở đâu

Tháp Bà Ponagar Nha Trang tọa lạc tại một ngọn đồi cách thành phố Nha Trang 2km về phía Bắc. nằm gọn gàng trên một quả đồi nhỏ bên bờ sông Cái hiền hòa. Vị trí ngọn đồi khá thoáng gió với độ cao khiêm tốn chỉ 50 m so với mặt nước biển. Từ xa bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra tháp Ponagar vì hình dáng và kiến trúc rất đặc sắc.

Tên gọi của Tháp Bà Ponagar

Tháp Bà Ponagar Nha Trang còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai có nghĩa là giống Cái) (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar)

Tên gọi “Tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc. Vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Uma, vợ của Shiva…

Tháp Bà Ponagar Nha Trang thờ Ai

Thời xưa người Chăm Pa ở Khánh Hòa thờ phụng nữ thần Ponagar, Người luôn kề bên bảo vệ chăm lo đời sống cho người dân, giúp họ có đất đai để sinh sống, trồng trọt. Ponagar được người dân tôn là Thiên Y Thánh Mẫu. Trong tâm niệm của người Chăm Pa xưa Thiên Y Thánh Mẫu được xếp vào hạng thượng đẳng thần, muôn người thờ phụng. Bà là người tái sinh ra đất, nước, cây cối, thực phẩm cho nhân dân vì thế người Chăm coi bà như sự khởi nguyên của sự sống…

Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay..

Truyền Thuyết Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Theo truyền thuyết, ngày xưa tại núi Đại An (Đại Điển) có hai vợ chồng tiều phu đến cất nhà và làm rẫy trồng dưa nơi triền núi. Suốt một thời gian dài, hễ trái dưa nào chín tới đều bị mất. Ông lão rình và một hôm bắt gặp một cô bé khoảng 9-10 tuổi hái dưa rồi chơi đùa dưới trăng. Thấy cô bé dễ thương, ông bèn đem về nuôi và thương yêu như con ruột.

Hôm đó, trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô bé lấy đá chất thành ba hòn dã sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông tiều lớn tiếng rầy la. Không ngờ cô bé là tiên giáng trần buồn nhớ cảnh bồng lai. Đang buồn lại chợt nhìn thấy một khúc kỳ nam theo nước trôi đến, thiều nữ bèn hiến thân vào khúc kỳ nam cho sóng đưa đẩy.

Khúc Kỳ Nam trôi ra biển rồi tấp vào nơi gần cung đình, hương toả ngào ngạt. Người dân trong vùnglấy làm lạ kéo đến xem. Thấy gỗ tốt, họ bèn xúm vào khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không khiêng nổi. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem hư thực và giơ tay nhấc thử. Thật kỳ lạ khi khúc gỗ bỗng nhẹ như tờ giấy, chàng liền đem về cung và nâng niu như báu vật.

Một đêm, dưới ánh trăng mờ, thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc Kỳ Nam, nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra. Những đêm sau đó, thái tử vẫn tiếp tục theo dõi…

Rồi một đêm, chàng thấy từ trong khúc Kỳ Nam bước ra một giai nhan tuyệt sắc. Chàng vụt chạy đến, ôm choàng lấy giai nhân. Không biến kịp vào khúc Kỳ Nam, giai nhân đành theo thái tử về cung và cho biết tên là Thiên Y Ana. Thái tử thấy nàng Ana xinh đẹp khác thường bèn tâu phụ hoàng xin cưới làm vợ. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, sinh được hai con – một trai một gái, dung mạo khôi ngô tuấn tú. Một hôm, nỗi nhớ quê hương thúc giục, Thiên Y bế hai con nhập vào kỳ nam trở về làng cũ.

Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng ông tiều phu đã về cõi âm. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà của để phụng tự. Thấy nhân dân địa phương còn lạc hậu, bà dạy cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra các lễ nghi…

Từ đó, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống nhân dân mỗi ngày một thêm phong lưu. Đến một ngày, có con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y cùng hai con cưỡi hạc bay về trời.

Kiến trúc tháp Bà Ponagar.

Tổng thể kiến trúc của  Tháp Bà Ponagar Nha Trang là quần thể kiến trúc Chăm Pa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả được chia ra thành 3 mặt bằng: Khu vực Tháp Cổng, Mandapa (khu tiền đình) và cuối cùng là khu đền tháp. Và do trải qua biến động của lịch sử và thời gian. Hiện nay, tháp bà chỉ còn lại 5 công trình kiến trúc tập trung ở Mandapa và Đền Tháp ở trên.

1. Mandapa (Khu Tiền Đình)

Là nơi bạn nhìn từ cổng chính hướng thẳng lên, nếu bạn đi trên đường 2/4 bạn cũng dễ dàng thấy được. Tổng thể kiến trúc có niên đại ở thế kỷ XI đều xây bằng gạch nung gồm 4 hàng cột lớn. Trong đó: có 12 cột nhỏ bên ngoài hình bát giác, 10 cột lớn phía trong.

Theo như nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định đây có thể là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên Bà hành lễ. Họ thấy rằng, trên đỉnh mỗi cột đều có các lỗ mộng. Xác suất cao đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che. Vì thời gian, đến nay không còn lại mái che nữa. Mặc dù vậy nhưng đây cũng là điểm nhấn rất độc đáo của Tháp Bà không lẫn vào đâu được..

Để lên dâng hương cho mẹ xứ sở bạn phải trải qua những bậc tam cấp rất dốc. Có khi tay phải bám sát vào những viên đá phía trên để không ngã ra sau mới có thể đi được..

Người xưa quan niệm rằng, để gặp được nữ thần, bạn phải vượt qua thử thách mới có thể gặp được Bà. Đó là sự tôn kính đối với vị thần của trời biển..

Hiện giờ người dân đã mở những con đường bậc đá men sườn đồi bên cạnh. Nên bạn yên tâm việc di chuyển sẽ không khó khăn như trước nữa. Theo như các dấu tích xưa để lại thì phía đông Mandapa có có 2 cột nhỏ và thấp hơn nền. Nằm ở 2 bên bậc lên xuống của Tiền Đình, thẳng ra cổng chính.

Trong quá trình tu bổ, phát quang mặt bằng đã vô tình thấy được con đường và dãy tam cấp ở phía Đông dẫn lên gian giữa của toà nhà cột. Gồm có 4 bậc tam cấp rộng 1,4m, cao 1,2m và đoạn đường rộng 2,6m, dài 7,4m. Do đó đã chứng minh được kiến trúc Chăm Pa xưa đã tạo nên trục thẳng thần đạo hướng tâm đến tháp chính thờ mẹ Thiên Y A Na từ Cổng – Mandapa – các bậc tam cấp dẫn lên khu đền – Tháp Chính.

2. Khu đền tháp.

Theo những di tích để lại thì khu đền tháp có tổng cộng là 6 Kalan. Kalan theo tiếng Chăm Pa là đền/tháp. Đang hiện hữu còn 4 Tháp, 2 tháp phía sau đã bị hủy và chỉ còn lại nền móng…

Các tháp đều được xây dựng một kiểu giống nhau, chỉ khác về kích thước và độ rộng. Được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Từ chân thẳng tắp đến gần đỉnh tháp, vị trí trên cùng được thiết kế theo kiểu hình chóp nón…

Mỗi tháp đều có 4 cửa hướng ra Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng chỉ có cửa Đông được mở cho khách hành hương và kéo dài đến tiền sảnh. 3 cửa còn lại tạo hình như cửa giả..

Tháp Đông Bắc

Tháp chính cũng là tháp cao nhất khoảng 23m. Được xây dựng năm 813 – 817 và được tu bổ, sửa lại vào thế kỉ XI.

Sử dụng 5 hàng trụ áp tường chạy dọc trên thân tháp. Bốn góc mái là 4 tháp nhỏ trong đó có 3 tầng mái thu nhỏ dần lên phía trên. Hệ mái của Tháp được so sánh như núi Mêru – nơi có 5 ngọn núi của các vị thần tại Campuchia và có đỉnh ở giữa cao nhất.

Trên đó sẽ trang trí toàn những linh vật: Voi, Ngỗng, Dê… Mang hơi hướng tâm linh sâu sắc của tôn giáo.

Hướng mắt đến vòm cửa bạn sẽ dễ dàng thấy tấm phù điêu hình lá bằng đá. Như hiện thân 4 cánh tay đang múa của thần Shiva. Chân phải Shiva đặt trên lừng bò thần Nandin và 2 bên có nhạc công thổi sáo. Những nhân vật xuất hiện trong tấm phù điêu được thể hiện rất uyển chuyển, mượt mà, tạo sự sinh động và phá cách. Hơn nữa, tấm phù điêu niên đại thế kỷ XI cũng là một trong những tấm phù điêu đẹp nhất của văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam.

Bạn để ý trên những trụ đá ở cửa có những bia ký khắc chữ Sancrit hòa chữ chăm cổ. Nội dung ghi chép việc xây dựng tháp và cúng dường lễ vật của Vua chúa, hoàng tộc Chăm dâng lên Nữ Thần và việc Nữ Thần ban phúc cho muôn dân.

Xem thêm: Các Tour Nha Trang hằng ngày

Trích dẫn một bia ký: “Nữ thần của Kauthara, người có tấm thân rực sáng bởi vẻ đẹp và tấm choàng tuyệt hảo bằng vàng, người có khuôn mặt ngời sáng rạng rỡ và đẹp đẽ như đóa hoa sen và đôi má sáng chói bởi ánh sáng của ngọc ngà châu báu, đã luôn ban phước cho tất cả những ai quỳ xuống cầu nguyện trước mặt mình.”

Đến phần trong tháp là điện thờ hình vuông với tượng Nữ Thần Ponagar. Đây cũng là linh hồn cho tháp bà ponagar Nha Trang. Người cũng là tượng của Uma – biểu tượng âm tính của thần Shiva. Và theo tín ngưỡng của người Việt, do đó tượng được khoác Xiêm Y bên ngoài, hai bên thờ Cô và Cậu.

Trên các ô của giả được khoét sâu vào tường với những hình tam giác. Ngày trước người Chăm Pa thắp bằng trầm và cúng bằng nước. Sau này, theo tín ngưỡng nhang đèn nên đã được thay đổi. Cũng do vậy mà trên các bức tường của di tích bạn thấy có màu đen bám vào là vậy.

Tháp Nam

Tháp lớn thứ 2 sau tòa tháp chính với độ cao 18m. Nhìn vào thì vẫn nhận ra kiến trúc xây theo mô típ cũ nhưng chỉ riêng phần mái có điều khác lạ. Chúng được thu gọn thành một tầng chóp kéo là lên trên, trên đỉnh có đặt 1 trụ linga.

Được cho là nơi thờ thần Shiva – chồng Nữ Thần, cũng còn có tên là tháp Ông. Có niên đại vào thế kỷ XIII.

Tháp Tây Bắc

Cao thứ 3 trong toàn bộ tổng thể tháp, khoảng 9m. Cũng là tháp còn giữ được nguyên vẹn về trang trí lẫn kiến trúc. Mỗi ô cửa giả là các linh vật, được khắc họa tinh xảo trên nền gạch nung.

Ô cửa giả phía Nam là hình ảnh chim thần Garuda, phía Bắc là thần thời gian Kala, phía tây là tượng nữ thần cưỡi voi. Tháp chỉ có 1 tầng và tầng mái mô phỏng như hình chiếc thuyền. Theo mô típ là đề mềm lại cong nhọn, uốn vào trong, phô ra hai trán. Và có chạm khắc vị thần ngồi dưới tán các đầu rắn Nagar.

Tháp Tây Bắc thờ thờ Ganesha – hình tượng của sự may mắn, trí tuệ và hạnh phúc. Tương truyền đây là tháp thờ Cô – Cậu, là con của Nữ Thần.

Linh vật chính ở tháp là Linga và Yoni. Là nơi để cầu mong muôn hoa vạn vật luôn sinh sôi nảy nở, cuộc sống luôn ấm no, hạnh phúc, sum vầy. Tháp có niên đại xây dựng năm 817 và tu sửa vào thế kỷ XIII.

Tháp Đông Nam

Chỉ cao 7,1m và cũng là tháp nhỏ nhất trong tất cả. Tháp được xây dựng cũng khá đơn giản với mái hình yên ngựa hay hình thuyền. Hình ảnh quen thuộc của những ngư dân Đông Nam Á Hải Đảo.

Là kiến trúc phụ và thuộc loại muộn, ở thế kỷ XI – XII. Tháp thờ vị thần tượng trung cho sức mạnh và chiến tranh Skandha. Đây cũng là tháp thờ ông bà Tiều – người đã cưu mang và nuôi dưỡng Nữ Thần Thiên Y A Na.

3. Bia Ký

Bia ký cổ Chămpa tại Tháp Bà Pô Nagar có giá trị rất lớn đối với các nhà nghiên cứu cho văn hóa, tôn giáo và lịch sử của vương quốc Chăm Pa. Hiện nay, theo tài liệu được biết ở Ponagar có 28 đơn vị minh văn; trong số đó có một số bia chưa thể dịch nội dung.

Phía sau Tháp chính có tấm bia do Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc vào năm 1856 (triều vua Tự Đức). Bằng chữ Hán – Nôm nói về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt.

Tấm bia thứ hai do 8 vị quan tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận lập năm 1871.

Bên cạnh là tấm bia dựng vào năm 1972, nội dung dịch sang chữ quốc ngữ truyền thuyết bà Thiên Y A Na. Tấm bia đá thứ tư, giới thiệu về di tích Tháp Bà Ponagar được dựng vào năm 2010.

Lễ Hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Lễ Hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang Diễn ra từ ngày 24 đến 27-4 (tức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch), lễ hội Tháp Bà Ponagar có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng của tục thờ Mẫu.

Hàng năm, đến ngày diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar, người dân và khách hành hương ở Khánh Hòa và các tỉnh, thành trong khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên đều náo nức về tham dự. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, ước tính lễ hội năm nay đón hơn 100.000 lượt khách hành hương, người dân, du khách thập phương về tham dự. Trong đó, có khoảng 5.000 đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận về với lễ hội. Đến thời điểm này, đã có hơn 100 đoàn khách hành hương đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia các hoạt động của lễ hội với số lượng hơn 3.000 người.

Lễ hội diễn ra với rất nhiều nghi thức truyền thống như: lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ Tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai mạc; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Cùng với đó là các hoạt động dâng hương, hát văn, múa bóng lễ Mẫu của các đoàn hành hương; biểu diễn hát bội, các trò chơi dân gian, trình diễn kỹ thuật dệt vải, làm gốm của đồng bào Chăm… Để mọi người về tham gia lễ hội đều có thể vào lễ Mẫu, ban tổ chức tiếp tục thực hiện việc phân luồng vào tháp chính. Các đoàn lần lượt được bố trí di chuyển trật tự vào bên trong dưới sự hướng dẫn của nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Sau nhiều năm thực hiện phân luồng đã chấm dứt được tình trạng chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự. Khu vực sân của di tích Tháp Bà Ponagar đã được lắp đặt những gian nhà bạt với tổng diện tích hơn 1.000m2 để che nắng cho mọi người, nhất là đối với đồng bào Chăm để thực hiện nghi lễ cúng bái theo phong tục truyền thống của mình.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, người dân và khách hành hương đều có thể đến khu vực nhà ăn để dùng bữa miễn phí. Đối với người Chăm, khu vực nấu nướng được bố trí riêng nhằm phù hợp với tập quán sinh hoạt. Ban tổ chức cũng phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và chính quyền 2 phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ để cắt cử lực lượng thường xuyên túc trực trong những ngày diễn ra lễ hội nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho mọi người. Công tác tiếp nhận lương thực, thực phẩm được quan tâm, kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng; hệ thống phương tiện để bảo quản thực phẩm đảm bảo hợp vệ sinh cũng được trang bị. Ban tổ chức đã in những bản nội quy về lễ hội niêm yết trong khu vực di tích, hệ thống loa phát thanh thường xuyên thông tin nhắc nhở mọi người thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cũng như nêu cao cảnh giác với các hiện tượng trộm cắp, cướp giật. Đặc biệt, những vấn đề như: xin ăn, mê tín dị đoan được kiên quyết xử lý, không để phát sinh trong thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar được xem là một hoạt động văn hóa trong Năm Du lịch Quốc gia 2019. “Đây là dịp để nhìn nhận và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, điển hình ở Khánh Hòa. Lễ hội được tổ chức trang trọng về phần nghi lễ, phong phú về phần hội. Qua đó thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế”, ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

Xem thêm: Tour City Nha Trang

Giá vé và Giờ Mở Cửa Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Để vào trong tham quan chúng ta phải mua vé, giá vé vào cửa rất rẻ chỉ 22k/người. giá vé đã bao gồm tham quan tất cả các điểm trên Tháp Bà Ponagar và xem biểu diễn tiết mục múa chăm, tham quan bảo tàng nữa nhé!

Giờ mở cửa Tháp bà Ponagar Nah Trang  là từ 8h sáng đến 18h chiều. Nên các bạn có thể tự do thoải mái thời gian tham quan.

Mua gì tại Tháp Bà Ponagar

Tại đây có bán 1 số đồ lưu niệm Nha Trang, nếu quý khách có nhu cầu mua về làm quà hoặc lưu giữ lại những kỉ niệm nơi đây thì có thể tham quan và mua một số đồ ngay tại công hoặc phía trong Tháp.

Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Trên đây là những thông tin  chi tiết của Tháp Bà Ponagar Nha Trang, nếu 1 lần đến với Nha Trang bạn nhớ ghé thăm di tích Tháp Bà này nhé!

Đánh giá bài viết này

Bình luận về bài viết

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận